Câu chuyện về cái tâm của ứng viên

tháng 4 14, 2018
Lại là một câu chuyện trong chuỗi những câu chuyện về tuyển dụng, hôm nay, chúng tôi muốn kể cho bạn nghe về cách một nhà tuyển dụng một cấp quản lý cho công ty họ. Và đó là một câu chuyện về cái tâm của ứng viên.
Một chàng trai trẻ vừa tốt nghiệp Đại học loại xuất sắc nộp đơn dự tuyển vào vị trí quản lý cấp thấp tại một Tập đoàn lớn. Anh ta vượt qua các vòng đầu tiên. Đến vòng cuối cùng, đích thân CEO phỏng vấn để đưa ra quyết định cuối cùng. Người CEO rất ấn tượng với CV của chàng trai trẻ khi trong suốt các năm học, anh ta luôn đạt thành tích học tập một cách xuất sắc.

“Anh có bao giờ nhận được học bổng từ trường không”, vị CEO hỏi.

“Không bao giờ”, chàng trai trả lời.

Vị CEO bèn hỏi tiếp.

”Vậy là cha anh đã trả toàn bộ học phí cho anh phải không?”

Chàng trai trẻ trả lời:

” Cha tôi đã mất từ hồi tôi được một tuổi, toàn bộ số tiền học phí là do mẹ tôi gánh vác.”

“Vậy mẹ anh làm việc ở công ty nào?”

Chàng trai trẻ trả lời:

“Mẹ tôi làm công việc giặt quần áo”.

Mẹ tôi giặt quần áo

Người CEO im lặng một lúc. Sau đó, ông đề nghị chàng trai trẻ đưa hai bàn tay ra cho ông xem. Hai bàn tay chàng trai khá đẹp và mềm mại.

“Trước đây, có bao giờ anh giúp đỡ mẹ anh trong việc giặt quần áo chưa?”.

“Thưa ngài, xin thú thực là tôi chưa bao giờ“, chàng trai trả lời.

“Mẹ tôi lúc nào cũng chỉ muốn tôi học và đọc thật nhiều sách. Hơn nữa, mẹ bảo mẹ có thể giặt quần áo nhanh hơn tôi. Tôi động vào chỉ khiến công việc của bà chậm lại.”

Vị CEO nghe xong liền nói:

“Tôi có một yêu cầu. Hôm nay lúc anh về nhà, hãy đi và rửa hai bàn tay của mẹ anh. Rồi hãy đến gặp tôi vào sáng ngày hôm sau”.

Qua ánh mắt và giọng nói của người CEO, chàng trai trẻ cảm giác rằng cơ hội trúng tuyển của mình chắc rất cao. Anh vui vẻ về nhà gặp mẹ và nói với bà hãy để anh ra rửa hai bàn tay của bà ngày hôm nay. Bà mẹ nghe vậy cảm thấy rất lạ, trong lòng bà khi ấy dấy lên những cảm xúc vui buồn lẫn lộn. Bà đưa hai bàn tay mình ra cho con trai mình.

Nâng niu đôi bàn tay đấng sinh thành

Chàng trai trẻ chầm chậm rửa sạch bàn tay của mẹ mình. Từng giọt nước mắt của chàng trai rơi xuống khi anh ta thực hiện công việc của mình. Lần đầu tiên chàng trai nhận ra rằng đôi bàn tay của mẹ thật nhăn nheo, hơn nữa chúng còn chằng chịt những vết sẹo và chai sạn. Những vết sẹo này hẳn từng rất đau đớn vì chàng trai cảm nhận được mẹ khẽ rùng mình mỗi khi anh rửa chúng trong nước. Đây cũng là lần đầu tiên chàng trai trẻ nhận ra rằng chính đôi bàn tay này hàng ngày làm công việc giặt quần áo để có thể trang trải đủ tiền học phí của anh ta suốt thời gian anh ta đến trường học. Những vết sẹo trên đôi bàn tay của bà mẹ cũng là cái giá cho kết quả đậu tốt nghiệp, cho những bảng điểm xuất sắc và cho cả tương lai của anh.

Sau khi rửa sạch đôi bàn tay của mẹ, chàng trai trẻ lặng lẽ giặt nốt luôn chỗ quần áo còn lại trong ngày. Tối hôm đó, bà mẹ và chàng trai đã nói chuyện với nhau rất lâu.

Sáng ngày hôm sau, chàng trai trẻ quay lại nơi phỏng vấn. Vị CEO nhận thấy một đêm dài không ngủ trên đôi mắt của chàng trai. Ông hỏi:

“Anh có thể cho tôi biết anh đã làm gì và học được những gì ở nhà của anh ngày hôm qua không?”

Chàng trai trả lời:

“Tôi đã rửa đôi bàn tay của mẹ tôi, và tôi cũng đã giặt nốt chỗ quần áo còn lại.”

Vậy hãy cho tôi biết cảm giác của anh như thế nào?

Chàng trai trẻ bèn trả lời trong nước mắt:

Thứ nhất: “Tôi thấu hiểu thêm những gì tôi đã có được nhờ có mẹ ngày hôm nay.”

Thứ hai: “Tôi hiểu được kiếm tiền vất vả đến như thế nào.”

Thứ ba: “Tôi đã nhận thức được sự quan trọng và giá trị của tình cảm gia đình.”

Vị CEO nói:

– Đó chính xác là những gì tôi cần tìm ở một nhà quản lý, hoặc một người trong tương lai sẽ ở cấp quản lý cao hơn của Tập đoàn này. Tôi muốn tìm những ứng viên có thể nhận thức được sự giúp đỡ của những người khác, người có thể hiểu được sự khó nhọc của người khác khi hoàn thành một công việc nào đó, và là người không đặt tiền bạc là mục đích sống duy nhất của mình.

Và còn nữa, xin chúc mừng anh. Anh đã được tuyển.

Câu chuyện nhìn người của người ứng tuyển

tháng 4 14, 2018
Những câu chuyện tuyển dụng lại muốn đem lại cho bạn những câu chuyện mà khiến hàng tá người phải suy nghĩ lại về cách mình đi ứng tuyển cũng như cách bạn tuyển chọn ứng viên. Hôm nay sẽ là một câu chuyện về cách nhìn người của người ứng tuyển.

Một công ty lớn tuyển mộ nhân sự và số người ứng thí rất đông. Họ đều có bề dày kinh nghiệm và có bằng cấp, học vị đáng kính nể. Cuối cùng qua ba vòng thi tuyển chỉ còn lại 11 người được lọt vào vòng cuối cùng để vô sáu vị trí quan trọng của công ty, và do chính tổng giám đốc và những nhân vật cao cấp trong công ty trực tiếp phỏng vấn.

Công ty lớn tuyển dụng thì ứng viên đến ứng tuyển rất đông

Thế nhưng khi vị tổng giám đốc nhìn xuống và chợt phát hiện có đến 12 người tham dự. Ông cất tiếng hỏi:

– Ai trong số các vị đã không lọt qua các vòng tuyển chọn trước đó?

– Thưa ông, tôi. Một chàng trai ngồi bên phải hàng ghế cuối cùng đứng dậy. Anh ta nói thêm: Thưa ông, tôi bị loại ngay từ vòng đầu tiên nhưng tôi lại tin rằng mình có thể đậu nên vẫn muốn thử sức ở vòng cuối cùng này.

Mọi người trong phòng đều bật cười, kể cả ông già chuyên lo việc trà nước đứng ở phía cửa ra vào. Ông tổng giám đốc vừa ngạc nhiên, vừa tò mò nên hỏi tiếp:

– Anh đã bị loại từ vòng đầu, vậy hôm nay anh tới đây có nghĩa gì?

Rất tự tin, chàng trai trả lời:

– Tôi chỉ tốt nghiệp đại học và là một nhân viên bình thường nhưng tôi có 11 năm kinh nghiệm làm việc và đã từng làm cho 18 công ty khác nhau…

Ông tổng giám đốc ngắt lời:

– Bằng cấp, học lực và chức vụ của anh đều ở mức trung bình. 11 năm kinh nghiệm quả là điều đáng nói nhưng di chuyển đến 18 công ty khác nhau thì đúng là điều chúng tôi rất ngạc nhiên. Tuy nhiên với tư cách là nhà tuyển dụng, chúng tôi không thích điều này.

– Thưa ông, tôi không hề xin chuyển đổi công ty mà tại vì 18 công ty mà tôi đã từng làm việc đều… phá sản – Chàng thanh niên vẫn trả lời tỉnh bơ.

Lần này thì cả khán phòng cười ồ. Có tiếng bình phẩm từ phía trên: “Cậu ta đúng là người xui xẻo”. Nhưng chàng trai không vì thế mà tức giận. Anh ta nói tiếp:

– Tôi cho rằng đó mới chính là điểm mạnh của riêng tôi mà không phải ai trong quí vị ở đây đều có được.

Cả phòng lại ồn ào lên. Chính lúc này, ông già phục vụ nước tiến đến bàn chủ tọa và rót nước cho các vị lãnh đạo trong hội đồng giám khảo. Chàng trai tiếp tục:

– Tôi hiểu rất rõ 18 công ty đó bởi tôi đã từng cùng với những đồng nghiệp của mình chung lưng đấu cật để kéo chúng khỏi bờ vực phá sản. Tuy không thành công, nhưng tôi đã học được rất nhiều từ những sai lầm để dẫn đến thất bại. Đa số chúng ta thường thích tìm hiểu và học hỏi những kinh nghiệm để thành công nhưng khác với quí vị, tôi chắc chắn có nhiều kinh nghiệm hơn người khác ở chỗ biết làm thế nào để tránh sai lầm và thất bại.

Tạo ra vị thế cũng như câu chuyện của riêng mình khi đi ứng tuyển


Ngừng một chút, chàng trai nói tiếp:

– Tôi biết chắc những kinh nghiệm để thành công thường có những điểm tương đồng nhưng lý do để dẫn đến thất bại thì luôn luôn khác nhau. Thật sự rất khó biến kinh nghiệm thành công của người khác thành của cải của chính mình, nhưng chúng ta lại rất dễ phạm sai lầm của kẻ khác.

Vừa nói xong, chàng trai đứng dậy và tỏ ý muốn đi ra khỏi phòng. Ông phục vụ già lại chồm lên rót nước cho ông tổng giám đốc. Bất ngờ chàng trai quay đầu lại mỉm cười và nói với ông tổng giám đốc:

– 11 năm với 18 công ty khác nhau cho phép tôi có sự quan sát và óc phân tích về người và việc. Vì vậy, tôi biết rõ tổng giám đốc và là vị giám khảo thật sự của ngày hôm nay không phải là ông mà chính là ông già lao công, phục vụ nước này.

Cả 11 thí sinh trong phòng đều tròn mắt ngạc nhiên và nhìn về phía người phục vụ già với ánh mắt hoài nghi. Lúc này, ông già lao công mỉm cười hài lòng và nói:
– Rất giỏi! Anh sẽ là người đầu tiên được nhận vào làm việc tại công ty chúng tôi. Ngoài ra, tôi cũng thật sự muốn biết vì sao màn trình diễn của tôi lại có thể bị thất bại nhanh chóng như vậy.

Giới thiệu

tháng 4 11, 2018 Add Comment

Tôi làm ở phòng nhân sự được hơn 2 năm và tôi cũng nếm không ít chuyện dở khóc dở cười tại đây. Tôi đã từng ở vị trí đi ứng tuyển như các bạn sinh viên bây giờ nhưng tôi không bao giờ đặt nhẹ việc đi phỏng vấn nên tôi dường như chưa bao giờ gặp những trường hợp khiến ban tuyển dụng khóc không được mà cười cũng chẳng xong như các bạn bây giờ. Chính vì lẽ đó, tôi lập nên blog Những câu chuyện tuyển dụng này để tuyển tập những câu chuyện tôi đã gặp phải, đồng nghiệp tôi đã gặp phải hoặc sưu tập để giúp các bạn sinh viên tránh lặp lại những việc này.

Các câu chuyện sẽ được tôi tuyển tập và đăng tải ở đây để các bạn theo dõi, biết đâu được các bạn sẽ thấy cái sự ngây ngô, cái suy nghĩ của các bạn trong đó. Mỗi câu chuyện là một lời khuyên, là một cảnh báo để các bạn tránh những tình huống như vậy khi đi ứng tuyển.

Ngoài các bạn sinh viên, tôi muốn chia sẻ đến những người bạn đồng nghiệp làm nhân sự như tôi để không quá bất ngờ với những cái "bất chợt" ở hầu hết sinh viên bây giờ.

Các bạn sinh viên nên biết khi bạn đi ứng tuyển tức là bạn đang đi rao bán chất xám, bán sức lao động của mình nên đừng quá sợ sệt các nhà tuyển dụng nhưng cũng đừng vì vậy mà trở nên quá ngông cuồng (dễ bị "đì" nếu sau này được vào công ty làm).

Các bạn đồng nghiệp tuyển dụng của tôi, các bạn cũng đừng dọa các em khi đi ứng tuyển đến "hồn bay phách lạc" nhé! Các bạn cần thái độ nghiêm túc nhưng cũng cần tạo không khí thoải mái cho các bạn sinh viên có cơ hội để thể hiện bản thân, tránh làm quá khiến các bạn vụt mất những ứng viên có năng lực "tiềm ẩn" nhưng quá nhút nhát.

Tôi hi vọng blog của tôi không đơn thuần chỉ là Những câu chuyện tuyển dụng mà còn là bài học cho các bạn đồng nghiệp nhân sự và các bạn sinh viên nhận ra điều cần biết và điều nên tránh khi ứng tuyển, để những buổi phỏng vấn diễn ra hiệu quả hơn.

Trên đây là đôi điều giới thiệu về blog Những câu chuyện tuyển dụng của tôi, hi vọng các bạn có những phút giây vui vẻ trong cuộc sống cũng như trong công việc.

Những lý do ngây ngô đến khó đỡ

tháng 4 11, 2018 Add Comment

Câu chuyện tuyển dụng mở đầu hôm nay sẽ là những lý do hẹn lại lịch ngây ngô đến khó đỡ ...

Trời mưa quá, cho em hẹn lại ngày mai nhé!

Ông Lê Nguyễn Huy Tâm, Giám đốc Công ty Việt Thiên Nhiên (TP.HCM), chia sẻ trong suốt nhiều năm tuyển nhân viên đã gặp phải những tình huống cười ra nước mắt.
Ông Tâm kể: Tôi nhận được rất nhiều hồ sơ xin việc kiểu "hiện chưa có việc làm, tôi làm đơn này xin Nhà nước tuyển dụng và bố trí công việc làm”, kèm theo số CMND, sổ hộ khẩu và sơ yếu lý lịch. Sơ yếu lý lịch thì khai cả "trước 30.4.1975 làm gì, sau 30.4.1975 làm gì?". Có bạn trả lời “trước 1975 con chưa được sinh ra”...

Làm hồ sơ cũng cần nghệ thuật
Sau khi lọc còn 20% hồ sơ thì rất nhiều bạn trẻ được ông Tâm hẹn phỏng vấn đều đến trễ giờ với nhiều lý do kiểu như: em ngủ quên, anh ơi em bị hư xe, anh ơi trời mưa quá nên anh cho em hẹn lại ngày mai nhé...
Chỉ một thao tác tối thiểu là chủ động thông báo lại cho nhà tuyển dụng khi biết mình đến trễ hoặc không đến được, nhưng nhiều bạn trẻ lại vô tâm bỏ qua, coi như không vấn đề gì. Trong đó, có nhiều bạn trẻ khóa máy khiến công ty không liên lạc được luôn, sau đó lại trách móc "tại sao công ty không đợi em?...

Ông Cao Trung Hiếu, Giám đốc Công ty Giải pháp phần mềm Dân Trí Soft (TP.HCM), chia sẻ: “Sau khi xem CV, video giới thiệu của một ứng viên nữ và sau buổi phỏng vấn, tôi nhận bạn ấy vào vị trí nhân viên chăm sóc khách hàng. Khi đến ngày vào làm, bạn ấy đã không đến mà không có bất kỳ thông tin gì. Tôi gọi điện hỏi thăm và nhận được trả lời 'em còn một số việc cần giải quyết nên chưa đi làm được, em ngại nên không gọi điện thông báo đến anh và công ty!'.

Ông Cao Trung Hiếu, Giám đốc Công ty Giải pháp phần mềm Dân Trí Soft (TP.HCM), chia sẻ: “Sau khi xem CV, video giới thiệu của một ứng viên nữ và sau buổi phỏng vấn, tôi nhận bạn ấy vào vị trí nhân viên chăm sóc khách hàng. Khi đến ngày vào làm, bạn ấy đã không đến mà không có bất kỳ thông tin gì. Tôi gọi điện hỏi thăm và nhận được trả lời 'em còn một số việc cần giải quyết nên chưa đi làm được, em ngại nên không gọi điện thông báo đến anh và công ty!'.

Cần hoàn thiện kỹ năng

Trước những thiếu hụt về kỹ năng của các bạn trẻ, ông Lê Nguyễn Huy Tâm cho rằng các bạn cần thay đổi tư duy ngay lập tức. Trước tiên, không nên dùng từ “xin việc” mà nên dùng từ “ứng tuyển”, cần đầu tư kỹ thời gian để viết đơn chỉn chu, rõ ràng, thể hiện được năng lực cũng như đam mê, khát khao đối với công việc mình đang hướng tới.
“Các bạn cần tìm hiểu kỹ công việc đó có phù hợp với mình không, nắm rõ doanh nghiệp hoạt động như thế nào, tránh việc lơ mơ, hời hợt không tạo được ấn tượng và cảm tình ban đầu”, ông Tâm chia sẻ.

Kỹ năng mềm là yếu tố cần thiết khi ứng tuyển hiện nay

Ông Cao Trung Hiếu cho rằng bạn trẻ có thể tận dụng công nghệ để có một bộ hồ sơ ứng tuyển ấn tượng, chẳng hạn sử dụng clip để giới thiệu bản thân thay vì viết một bộ hồ sơ giấy với cái “đơn xin việc” truyền thống.
“Nếu viết đơn ứng tuyển thì các bạn cũng nên tham khảo những mẫu đơn hay có rất nhiều trên mạng, xem họ trình bày ra sao, viết như thế nào cho đúng chuẩn… Những kỹ năng đơn giản mà các bạn không làm tốt thì rất khó hoàn thành công việc sau này”, ông Hiếu nhìn nhận.